Thuận An muốn hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II trước 2025

Thành phố của Bình Dương đẩy mạnh nguồn lực phát triển hạ tầng, tạo lợi thế kết nối cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng đô thị của các cấp có thẩm quyền, Thuận An đạt 86,55/100 điểm tiêu chí đô thị loại II. Xét 5 tiêu chí nâng loại đô thị loại II có 7/63 tiêu chuẩn chưa đạt, gồm: tỷ lệ đất giao thông (tính từ đường có chiều rộng phần xe chạy từ 14m trở lên) so với đất xây dựng đô thị, nhà tang lễ, công trình xanh, đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị bình quân đầu người…

Để hoàn thành các tiêu chuẩn, thành phố tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường đô thị đúng quy hoạch, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gắn với đẩy mạnh xã hội hóa. Thuận An tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, giáo dục, y tế…

Về nâng cấp diện mạo đô thị, Thuận An đẩy mạnh nâng tỷ lệ đất giao thông và cây xanh, các công trình công cộng.

Một góc thành phố Thuận An từ trên cao.

Một góc thành phố Thuận An từ trên cao.

Theo đồ án quy hoạch đô thị đến 2040 được phê duyệt vào tháng 7/2023, Thuận An bổ sung, mở rộng, xây dựng mới hàng loạt công trình giao thông và mảng xanh. Cụ thể, quy hoạch 537,70 ha đất cây xanh có mục đích công cộng của thành phố, gồm công viên văn hóa thể thao phường Bình Chuẩn; quản lý cây xanh trong các khu, cụm công nghiệp, cây xanh ven sông Sài Gòn và ven các sông rạch giữ lại; chuyển đổi sân golf Lái Thiêu thành công viên chuyên đề…

Thành phố dự kiến xây dựng thêm ba cây cầu qua sông Sài Gòn nhằm tăng tính liên kết với TP HCM và nâng cấp, mở rộng nhiều công trình giao thông trọng điểm như Đại lộ Bình Dương (dự kiến hoàn thành cuối năm 2023), đường Mỹ Phước – Tân Vạn và ĐT743a, ĐT743b, cao tốc TP HCM – Thuận An – Thủ Dầu Một – Chơn Thành…

Về thu hút dân cư, tăng mật độ dân số, dân số Thuận An hiện vào khoảng 623.752 người (thường trú chiếm 27,42% và tạm trú chiếm 72,58%). Dự báo đến năm 2030, dân số của thành phố sẽ đạt 750.000 người, đến năm 2040 khoảng 850.000 người. Thành phố Thuận An đang thu hút thêm hàng chục nghìn cư dân, người lao động đến an cư lập nghiệp mỗi năm. Đặc biệt, nhờ vị trí địa lý tiếp giáp TP HCM, Thuận An là một trong những lựa chọn an cư trong làn sóng giãn dân.

Tính riêng nửa đầu năm 2023, thành phố hoàn thành 13/19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm. Song song với tiếp tục đẩy mạnh, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thuận An bổ sung nhiều nguồn cung về nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực để đáp ứng nhu cầu an cư lớn trong 1-3 năm tới đây.

Tại các khu vực trục đường chính, theo đồ án quy hoạch đến 2040, Thuận An ưu tiên phát triển các dự án đa chức năng như dịch vụ – đô thị, nhà ở chất lượng cao, bệnh viện đa khoa mới, chú trọng phát triển giáo dục… bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng giao thông.

Nhiều dự án an sinh, trung tâm thương mại, dự án căn hộ, khu dân cư… được đầu tư bài bản. Điển hình như trung tâm thương mại phức hợp Astral City (DKRA), The Emerald Golf View (Lê Phong), The Emerald 68 (Lê Phong và Coteccons)… Trong đó, The Emerald 68 là dự án căn hộ mới tại phường Vĩnh Phú, dự kiến ra mắt vào tháng 9 này với gần 800 căn hộ theo phong cách nhiệt đới. Các dự án đáp ứng nhu cầu của lượng lớn cư dân đến an cư, lập nghiệp, bao gồm các chuyên gia, kỹ sư và người lao động tri thức trong và ngoài nước.

Phối cảnh dự án The Emerald 68.

Phối cảnh dự án The Emerald 68.

Thuận An đóng vai trò là đô thị dịch vụ – công nghiệp quy mô lớn ở phía Nam của tỉnh Bình Dương, đồng thời là “cửa ngõ” giao thương, kết nối thuận tiện đến Đồng Nai, TP HCM, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Với vị thế đó, sự phát triển của TP Thuận An có ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế xã hội của địa phương mà còn của vùng kinh tế phía Nam, đặc biệt là hướng kết nối với TP HCM.

Theo: vnexpress.net